Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Bước chân thế kỷ

Trong cuộc đời của mỗi con người, ắt hẳn ai cũng có những ước mơ, hoài bão và khao khát riêng của mình. Nhưng để thực hiện được điều đó không phải là dễ, đơn giản vì chúng ta thiếu đi sự quyết tâm đến cùng, thiếu kiên nhẫn và thiếu sự ủng hộ của những người thân. Những lúc như thế chúng ta thực sự đơn độc trên con đường của mình vạch ra!
=====
Phillipe Petit thời thơ ấu là một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác. Cậu yêu thích tung hứng, đạp xe một bánh và ảo thuật.  cậu bé sớm bộc lộ một niềm đam mê nghệ thuật ở tuổi 16. Vào một đêm khi rạp xiếc trên dây của nghệ sĩ leo dây nổi tiếng Papa Rudy đến biểu diễn ở nơi cậu bé sinh sống. Cậu chui trộm vào qua lớp vải lều và lên hàng nghế ngồi xem ông trổ tài cho đến lúc không còn một ai trong rạp. Lúc này cậu bé của chúng ta dường như bị lôi cuốn bởi chiếc dây. Trở về từ rạp xiếc, cậu bắt tay vào tập luyện đi dây. Cậu tìm hai cây to trong vườn nhà và nối chúng bằng 5 đường dây thừng. Cậu đứng lên trên và bắt đầu những bước đi đơn độc đầu tiên cùng cây gậy thăng bằng trên tay. Thời gian cũng trôi đi, mỗi lần cậu tháo dần từng dây một cho đến khi chỉ còn duy nhất một sợi dây ở giữa. Giờ đây cậu đã là một chàng trai, việc đi dây cũng đã khá thành thạo và nhận ra tài năng đi dây của mình. Rồi một đêm mưa gió cậu lại lẻn vào rạp xiếc của Rudy, cậu mon men trong đêm tối đến chiếc thang và leo lên đỉnh cột, nơi treo sợi dây mà lần đầu tiên cậu nhìn thấy. Đột nhiên Rudy xuất hiện và quát cậu đi xuống. Rudy đuổi theo Phillipe khiến chàng trai nhiều lần vấp ngã, ngay khi đó chính nhờ tài tung hứng tuyệt vời mà cậu được Rudy nhận làm học trò. Nhưng rồi một thời gian, trong một lần bất đồng, Phillipe chia tay người thầy cùng gia đình để đi đến Paris, Pháp. Ở đây cậu trở thành người nghệ sĩ biểu diễn đường phố, cậu tự vạch ra một vòng tròn cấm kị người xem bước chân vào. Vòng tròn đó dường như là lãnh địa, là chốn riêng tư của Phillipe. Nơi mà thế giới nghệ thuật của Phillipe không ai được phép can dự mặc cho thế giới phản ánh cậu là điên rồ và khó hiểu. Nhưng đó thật sự là một thế giới đẹp, là một cái gì đó thật sự đẹp đẽ. Bố già Rudy đã rơi nước mắt khi nói với cậu điều đó. Nghệ thuật là một thứ gì đó không cần phải hiểu, chỉ cần nó đẹp, dù có phi pháp, phi chuẩn mực. Và màn biểu diễn trên dây của Phillip Petit là một thứ nghệ thuật như thế. Thế giới nghệ thuật nơi mà cảm xúc của người nghệ sĩ, cảm xúc riêng tư cá nhân được thỏa mãn. Trong một lần biểu diễn đường phố, không may sự cố xảy ra khi biểu diễn với viên kẹo khiến cậu phải đến phòng khám. Ở đây, Phillipe tìm thấy sự khao khát của mình - đi dây giữa 2 tòa nhà trung tâm thương mại cao nhất thế giới lúc bấy giờ ở New York, Mỹ. Sự hấp dẫn khoảng trống giữa 2 toàn tháp khiến cậu quên bẵng đi chiếc răng đau và bắt tay vào thực hiện mơ ước của mình ngay lập tức.



Đến Paris, Phillip quen Annie, người bạn gái cậu lần đầu tiên gặp mặt. Annie là một nghệ sĩ guitar đường phố, chính sự đồng cảm giữa hai con người nghệ sĩ đã đưa họ đến với nhau. Annie đồng ý trở thành “tên đồng phạm” đầu tiên của Phillipe khi được cậu thổ lộ nỗi khát khao của mình về hai tòa tháp. Được sự giúp đỡ của Annie, cậu có được một khoảng sân trong trường nghệ thuật Annie học để tập luyện mỗi ngày. Tại đây cậu quen được một chàng trai nhiếp ảnh mà sau này được Phillipe chọn làm nhiếp ảnh gia cho riêng mình. Nhưng sự cố đứt dây khi đang tập khiến Phillipe suy nghĩ về cách buộc dây. Cậu trở về gặp bố già Rudy, thuyết phục ông ấy dạy mình cách buộc dây an toàn. Khoảng thời gian đó, Phillipe đi theo rạp xiếc của Rudy nhưng cậu không được biểu diễn mà chỉ học cách thắt nút.
Trở về với công việc, Phillipe bắt tay vào những hành trình nghệ thuật cùng với những đồng phạm tốt bụng quen được trên đường đi. Họ không đủ can đảm và điên rồ như Phillipe nhưng họ sẵn sàng ủng hộ cậu, giúp đỡ cậu bằng bất cứ giá nào. Đầu tiên là màn trình diễn trên một đầm nước ở một ngôi làng nhỏ và tiếp đến là màn trình diễn đi trên tòa tháp của nhà thờ Đức Bà. Cậu dần trở nên được nhiều người biết hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc luôn bị truy đuổi như tên tội phạm bởi những màn trình diễn phi pháp của mình. 

Rồi cái ngày mà cả thế giới trông đợi cũng đến. Màn trình diễn đi dây lịch sử diễn ra vào buổi sáng ngày 7/8/1974 giữa 2 tòa tháp đôi trung tâm thương mại New York với 101 tầng, độ cao 400m. Phillipe và những người đồng phạm của mình đã chuẩn bị kế hoạch khá kĩ lưỡng mất 6 năm cho màn trình diễn này với hơn 200 lần đột nhập vào 2 tòa nhà để thăm dò kiến trúc, quan sát, tính toán bằng những trang phục khác nhau, từ kiến trúc sư cho đến công nhân hay thậm chí là người tàn tật. Sự cố gắng của họ đã được đáp lại khi màn biểu diễn diễn ra như mong muốn, một màn biểu diễn điên rồ và liều lĩnh, bất chấp cả cái chết để sống với đam mê. Phillipe đặt bước chân đầu tiên trên sợi dây cáp. Lúc này trong đầu cậu chỉ có sợi dây mong manh và dài hun hút như đến vô tận, mọi thứ xung quanh trở nên im lặng, trắng xóa, chỉ có tiếng gió rít và người nghệ sĩ cô độc. Cậu nhanh chóng hoàn thành chặng đầu tiên khi đi qua phía bên kia tòa tháp. Nhưng dừng ở đây chưa đủ, dường như có cái gì đó thôi thúc cậu quay lại ở đầu bên kia. Hai tòa tháp vẫn đang cổ vũ cậu, sợi dây cáp vẫn đang mời gọi cậu quay lại. Và quả thực như vậy, Phillipe nâng chiếc gậy thăng bằng và tiếp tục màn trình diễn của mình, ở hai đầu tháp là đám cảnh sát đang hô hào cậu nhanh chóng đi vào. Bất chấp điều đó, Phillipe thực hiện màn đi dây của mình với nhiều động tác từ ngồi, quỳ cho đến nằm giữa không trung, khiến người xem không ngừng thót tim. Màn trình diễn gần 45 phút với 8 lần qua lại đã mang đến cho người dân New York và cả thế giới một trải nghiệm tuyệt vời, choáng ngợp, điên rồ nhưng nhờ đó mà tòa tháp đôi bằng thép lạnh lẽo được thổi hồn vào. Sau màn trình diễn, Phillipe bị bắt giữ và phải ra tòa, nhưng được sự ủng hộ của người dân và tòa án đã xóa bỏ tội danh của cậu với điều kiện biểu diễn miễn phí ở công viên trung tâm Central Park cho trẻ em. Cuối câu chuyện, Annie trở về với Paris để theo đuổi con đường nghệ thuật của mình để Phillipe đơn độc ở New York. Bản thân Phillipe khi bắt đầu cho đến cuối hành trình đều đơn độc. Sự đơn độc ở đây là trong sự sáng tạo, trong thế giới nghệ thuật của riêng ông, nhưng để sống chung với đơn độc đó cần có sự kiên trì, đam mê và cứng rắn với mục tiêu của mình.

Cho đến bây giờ, Phillipe vẫn luôn gọi đó là “tòa tháp đôi của tôi”, tòa tháp không đơn thuần là tòa tháp mà với người nghệ sĩ, đó chính là một sân khấu dành riêng cho họ. Hành trình của Phillipe cho chúng ta một trải nghiệm thú vị, chân thực về cuộc đời của người nghệ sĩ. Một cuộc đời cô độc, họ sống với sự sáng tạo, đam mê trong cái thế giới nghệ thuật của riêng họ. Trong màn trình diễn đó, họ bước đi một mình, dám tiên phong cho những thứ mới mẻ, ít ai dám nghĩ đến, với niềm tin mãnh liệt và điều đó đã tạo nên những bước đi thế kỷ.
-The Walk-A true Story-Phillipe Petit